Bình luận Hoàng Hối Khanh

Bỏ Trần theo Hồ

Cũng như Đặng Tất, Hoàng Hối Khanh sống vào thời kỳ nước Đại Việt - Đại Ngu đầy biến động trước các biến cố cả bên trong lẫn bên ngoài. Nghiệp nhà Trần đã quá suy vi, các vua Trần đều yếu, hoàng thượng Nghệ Tông nhu nhược thiếu sáng suốt, những người cố cứu vãn như Trần Khát Chân đều không làm nổi, rốt cục bị hại. Ngả theo nhà Hồ không có nghĩa là Hối Khanh bất trung.

Dâng đất

Trong sách Việt sử Giai thoại, Phó giáo sư Nguyễn Khắc Thuần nặng lời chê trách Hoàng Hối Khanh trong việc dâng đất cho nhà Minh. Tuy nhiên, công tâm xem xét, việc này không phải hoàn toàn do lỗi của ông.

Việc dâng đất cho nhà Minh, Hối Khanh làm theo lệnh của thượng hoàng Hồ Quý Ly, không phải tự ý ông giao nộp. Có lẽ ông cũng nhận ra ý đồ xâm chiếm của người Minh nên đã dâng nhiều đất để làm thoả lòng họ và hy vọng người Minh không xâm chiếm nữa. Việc làm của ông không khác gì tình cảnh như Ngô Thì Nhậm sau này nói: "Gặp thời thế, thế thời phải thế". Bởi vậy, sau sự việc này, Quý Ly vẫn trọng dụng ông.

Văn thần chí tận

Hoàng Hối Khanh chỉ là văn thần nên khi làm tướng trong thời loạn, ông phải dựa vào các võ tướng như Đặng Tất, Nguyễn Lỗ, Phạm Thế Căng. Trong cảnh loạn ly, nước mất, bên ngoài thì hai đường đều có giặc (Minh – Chiêm), tại một góc Hoá châu nhỏ bé, 4 người này đã chọn bốn con đường khác nhau.

Nguyễn Lỗ hàng nước nhỏ Chiêm Thành hay xâm nhiễu. Phạm Thế Căng hàng nhà Minh to lớn đã chiếm đóng. Cả hai người này đều mưu "phú quý" với ngoại bang và rốt cục đều không tránh được cái chết ê chề[4]. Đặng Tất là võ tướng tài ba lại ngoan cường nên tuy theo Minh mà lòng vẫn nhớ nước cũ. Hoàng Hối Khanh cũng mang chung một ý tưởng với Đặng Tất. Tuy nhiên, bởi ông không phải là tướng giỏi cầm gươm lên ngựa như Đặng Tất nên không thể chống nổi Chiêm Thành phải bỏ chạy. Vả lại, địa vị của ông vốn đã là quan đứng đầu một trọng trấn của nhà Hồ, cao hơn Đặng Tất, nên ông trở thành tâm điểm tầm nã của nhà Minh. Hoàng Hối Khanh thiếu sự cứng cỏi, mài giũa chí khí như Đặng Tất nên đã mang cái chết để báo nước. Cái chết của ông một phần vì không may sa vào tay giặc, mặt khác cũng phản ánh sự bất lực trước việc không hoàn thành sứ mạng Hồ Quý Ly giao trong cả hai việc: giữ đất Thăng Hoa giáp Chiêm và chống Minh. Ông không làm được như một văn thần nhà Hồ khác là Nguyễn Trãi, dù cũng từng bị người Minh cầm giữ khá lâu, vẫn nuôi được chí lớn để cứu nước sau này. Điều đó cũng có thể do một nguyên nhân khác nữa, vì Nguyễn Trãi thuộc thế hệ sau ông[5]

Hành trạng ở Hóa châu

Bình luận về hành trạng của ông ở Hóa châu, Việt sử Tiêu án của Ngô Thì Sĩ nặng lời chê trách:

"Hối Khanh là quan Hành khiển ra làm Đốc trấn, ủy nhiệm không phải là không trọng, người Minh xâm phạm nước Nam, cha con Hồ chạy lang bạt, Hối Khanh nhận được thư mà không phó cứu, chỉ nghênh ngang ở Ô Lý lập bè đảng làm việc riêng, chết ở Đan Thai là muộn rồi"

Tuy nhiên, sử sách chỉ chép việc Hoàng Hối Khanh có thề với dân Nghĩa Châu mà không nói rõ ông đã thề điều gì với họ. Đó có thể chỉ là sự giao kèo để lấy lòng dân ở một vùng mà chính quyền chưa "chắc chân" trước khi phải rời đất này rút về Hóa châu vì không chống nổi với quân Chiêm.

Đại Việt Sử ký Toàn thưViệt sử Tiêu án đều ghi Nguyễn Lỗ biết ông và Đặng Tất có ý đồ khác nên không dự thề. Thực ra, cuộc tranh chấp giữa hai phe tướng ở Hóa châu là Hối Khanh - Đặng Tất và bên kia là Nguyễn Lỗ - Nguyễn Phong vốn chỉ là hiềm khích cá nhân từ trước và bất đồng quan điểm trong việc trấn trị. Điều đó có thể khiến ông không tin tưởng Lỗ và giấu lệnh của cha con nhà Hồ muốn giao quân "cần vương" cho Lỗ, chứ không phải ông muốn "lập bè đảng" không cứu nhà Hồ. Mặt khác, hoàn cảnh thực tế khi đó là dân di cư và dân bản địa vùng đất mới phía nam đều tan rã trước sự tấn công của Chiêm Thành. Do đó, dù muốn lập quân cần vương để tự mình cứu vua nhà Hồ, Hối Khanh cũng bất lực không thể làm được.

Xem hành trạng của ba người sau khi nhà Hồ mất thì thấy chính Lỗ là người phản trắc: hàng Chiêm rồi lại nghe lời dụ làm quan to của nhà Minh mà theo Minh. Nếu Lỗ là người thực sự vì nước Đại Ngu và việc chạy sang Chiêm chỉ vì bị Hối Khanh và Đặng Tất bức bách, Lỗ phải tự vẫn trước sự "câu thúc" của nhà Minh như Hối Khanh đã làm. Còn hành trạng sau đó của Hối Khanh và Đặng Tất đều đã sáng tỏ. Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục ra đời sau này không chép việc "thề nguyền" giữa ông và người Nghĩa Châu.

Tự vẫn ở cửa Hội

Chép về cái chết của Hối Khanh, các sách cũng ghi khác nhau. Sách "Lần giở trang sử Thuận Quảng" của Nhà xuất bản Đà Nẵng (2004) căn cứ vào sử sách cho rằng Đặng Tất bắt ông để nộp cho người Minh và ông đã tự vẫn. Tuy nhiên, các sách sử cổ Việt Nam đều chép không thật rõ ràng. Đại Việt Sử ký Toàn thưKhâm định Việt sử Thông giám cương mục ghi: "Tất sai người đưa Hối Khanh về, đến cửa biển Đan Thai[6] thì Hối Khanh tự vẫn". Việt sử Tiêu án lại ghi: "[Tất nghe tin người Minh đã đến Nghệ An, xin đầu hàng Trương Phụ]. Phụ sai người đưa Hối Khanh về, đi đến cửa biển Đan Thai, Hối Khanh tự vẫn". Tuy vậy, những điều trong sử sách ghi: "Tất sai người đưa Hối Khanh về" không có nghĩa là đưa về để giao nộp cho quân Minh, còn "Phụ sai người" không thể chắc chắn là Phụ sai Đặng Tất. Mặt khác, các sách sử cổ Việt Nam đều không nói rõ hành trạng của ông sau khi giết gia quyến Nguyễn Lỗ và tại sao ông lại được đưa về.

Sách "Danh nhân Bình Trị Thiên" (1986) dẫn theo Việt Kiệu Thư của Lý Văn Phượng thời nhà Minh[7] chép việc này sáng tỏ hơn:

Trương Phụ chưa đánh tới Hóa châu, sai Đỗ Tử Trung đi chiêu dụ ông và Đặng Tất. Đặng Tất thuận ý hàng còn Hối Khanh bỏ trốn. Sau khi đánh lui quân Chiêm, Đặng Tất sai người đón Hối Khanh về bàn việc chống Minh. Đến cửa Hội thì gặp gió to, thuyền bị vỡ, Hối Khanh bị thổ dân theo quân Minh bắt.

Như vậy việc bỏ trốn của Hối Khanh tức là ông không muốn hợp tác với người Minh và điều đó khiến người Minh tầm nã ông để giết. Trương Phụ bêu đầu ông ở Đông Quan để dọa những người Việt trốn tránh không muốn hợp tác với quân Minh.

Cái chết của Hoàng Hối Khanh thể hiện tinh thần yêu nước không chịu khuất phục hoàn cảnh. Mặc dù bị một số sử gia mang nặng tư tưởng trung quân cổ hủ chỉ trích, nhưng hành động của ông dù sao vẫn đáng khen hơn hành động của Phạm Thế Căng và Nguyễn Lỗ, thậm chí hơn cả việc đưa tay chịu trói của cha con Hồ Quý Ly.

Liên quan